Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp cho cộng đồng. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn ngại ngần về việc hiến máu có thể gây tổn hại sức khỏe. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để mọi người hiểu rõ về ý nghĩa của hiến máu cũng như giải đáp các lo ngại xoay quanh việc hiến máu tốt hay xấu.

unnamed 1 1 | Math Imex

1. Hiến máu là gì?

Cho đến nay, máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Nói cách khác, khi bệnh nhân thiếu máu quá nặng, nguồn máu được bồi hoàn vào là hoàn toàn từ người hiến máu. Chính vì thế, hiến máu được xem là một nghĩa cử cao đẹp cho cộng đồng, là việc ý nghĩa thiết thực mà một người có thể làm để giúp ích cho người khác. Hiến máu chủ yếu là hiến hồng cầu. Máu gồm có huyết tương chiếm 55% thể tích máu và các tế bào máu chiếm 45% còn lại. Các tế bào máu gồm có hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, kế tiếp là bạch cầu và tiểu cầu. Đời sống của hồng cầu là khoảng 90 ngày, dài nhất trong các tế bào máu. Đây là khoảng thời gian cần thiết để một hồng cầu sinh ra, thực hiện chức năng và bị tiêu hủy trong ganlá lách. Nói một cách khác, mọi hồng cầu lưu hành trong máu đều lần lượt được tủy xương sinh ra và được thay thế sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, khi cho đi một phần lượng máu rất nhỏ trong cơ thể, đối với bản thân người cho sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng với người nhận lại là một “nguồn sống” mới. Ngoài ra, các thành phần khác của máu cũng được sử dụng sau khi hiến như tiểu cầu, huyết tương… Tuy nhiên, số lượng các trường hợp hiến hồng cầu vẫn chiếm chủ yếu.
Hiến máu có tác dụng gì
Hiến máu chủ yếu là hiến hồng cầu

2. Hiến máu được tiến hành như thế nào?

Máu được hiến là lấy trực tiếp từ cơ thể người cho và đưa trực tiếp vào cơ thể người nhận. Tuy nhiên, để máu có thể được sử dụng hiệu quả, cần phải được xử lý qua nhiều giai đoạn phức tạp. Đầu tiên, với những người chuẩn bị đi hiến máu, cần chuẩn bị tốt về mặt thể lực lẫn tinh thần. Đêm trước khi đi hiến máu, cần ngủ đủ giấc và tránh làm việc quá nặng nề. Bữa ăn trước đó tránh quá nhiều dầu mỡ. Hiến máu thường được thực hiện buổi sáng, lúc tâm trạng và sức khỏe tốt nhất. Người đi hiến máu không nên ăn gì, kể cả uống sữa mà chỉ được uống nước lọc, trà đường. Nguyên nhân là vì khi ăn uống, các sản phẩm của tiêu hóa khi được hấp thụ qua thành ruột vào máu sẽ làm giảm chất lượng máu hiến. Ngoài ra, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe toàn diện và chỉ được chấp thuận cho hiến máu nếu thỏa mãn một số tiêu chuẩn nhất định. Sau đó, người bệnh được sắp xếp nằm nghỉ thoải mái trên ghế. Kim lấy máu sẽ được đưa vào tĩnh mạch lớn thuộc chi trên và máu sẽ tự động đi ra theo nguyên lý thế năng, cho vào túi máu đặt trên bàn cân đặt ở vị trí thấp hơn tim. Khi nào lượng máu rút ra đạt thể tích cần thiết thì ngừng lại, rút kim và băng ép tại chỗ. Trong lúc rút máu, nhân viên y tế có thể cho người hiến máu nắm bóp vật mềm trong lòng bàn tay để tốc độ dẫn máu được nhanh hơn. Máu hiến sẽ nhanh chóng được bảo quản theo đúng quy định và đưa về trung tâm, bệnh viện chuyên khoa huyết học. Tại đây, máu được xét nghiệm các vi sinh vật nhằm loại trừ các bệnh lý mắc phải qua đường truyền máu, như HIVviêm gan B, viêm gan C,… Nếu đạt được tiêu chuẩn này, máu sẽ được chia theo nhóm máu O, A, B hay AB, phân tách thành các thành phần riêng lẻ như huyết tương, hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, được lưu trữ trong điều kiện tương ứng và sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu. Trong trường hợp đi hiến tiểu cầu, máu của người hiến sẽ được thu thập qua một hệ thống máy móc. Tại đây, thành phần tiểu cầu sẽ được gạn tách và các thành phần còn lại trong máu được trả vào cơ thể người hiến bằng một con đường khác.
Hiến máu có tác dụng gì
Máu được hiến là lấy trực tiếp từ cơ thể người cho và đưa trực tiếp vào cơ thể người nhận

3. Hiến máu tốt hay xấu?

Chính nhờ chu kỳ sinh lý của máu, hiến máu hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe nếu thể tích máu hiến phù hợp với thể trạng cũng như tần suất hiến hợp lý. Thậm chí, hiến máu còn được xem là một cơ hội giúp sức khỏe được tăng cường tốt hơn. Đây chính là những lý do ít người biết về ý nghĩa đem lại cho người đi hiến máu. Các lợi ích này gồm:

3.1. Giúp kích thích khả năng tạo máu

Thể tích máu được ước tính là chiếm 1/10 khối lượng cơ thể. Như vậy, một người trưởng thành nặng trung bình 50kg sẽ có lượng máu khoảng 5000 ml. Tuy nhiên, quy định hiến máu mỗi lần là không quá 9 ml/kg (tức khoảng 450 ml) và cũng không quá 500 ml trong một lần hiến. Vậy nên, lượng máu cho đi là không quá nhiều. Hơn thế nữa, khi một lượng máu trong cơ thể bị mất đi, hệ thống tủy xương sẽ có phản ứng tạo ra nguồn máu mới. Chính điều này giúp máu trong cơ thể có cơ hội được thay đổi, chất lượng hồng cầu được trẻ hóa nên sẽ làm việc hiệu quả hơn. Thực tế, chỉ có phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản mới có quá trình mất máu sinh lý mỗi tháng do chu kỳ kinh nguyệt. Còn lại các đối tượng khác như nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, các tế bào hồng cầu được thay mới một cách chậm chạp, khả năng ứng phó với sự mất máu sẽ kém đi nếu thiếu máu đột ngột xảy ra. Chính vì thế, đi hiến máu định kỳ là một dịp để nguồn máu trong huyết quản trở nên tươi mới hơn cũng như hệ tạo máu thường xuyên được trau dồi.

3.2. Thải sắt

Khi đủ ngày, hồng cầu trở nên già hóa và bị tiêu hủy. Tuy nhiên, thành phần sắt trong nhân hồng cầu lại được tái sử dụng để tổng hợp ra hồng cầu mới. Như vậy, lượng sắt trong cơ thể nhìn chung là không bị hao hụt, trong khi cơ thể chúng ta lại được bổ sung chất sắt mỗi ngày thông qua nguồn thực phẩm. Hệ quả là nếu chu trình chuyển hóa sắt không thuận lợi, sự ứ trệ chất sắt tại các nội tạng như tim, phổi, gan, thận… sẽ gây ra bệnh lý. Chính vì vậy, khi đi hiến máu, bạn sẽ hiến cả chất sắt. Đây gián tiếp là một hành động thải sắt, giảm nhẹ gánh nặng sắt tồn dư tại các cơ quan.
Hiến máu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Hiến máu có tác dụng thải sắt, giảm nhẹ gánh nặng sắt tồn dư tại các cơ quan trong cơ thể

3.3. Được khám sức khỏe

Khám sức khỏe trước khi đi hiến máu là một điều bắt buộc ở mỗi cá nhân. Bạn phải đủ tiêu chuẩn về tuổi tác và cả các điều kiện về thể lực theo giới mới được phép hiến máu. Theo đó, bạn sẽ được lấy số đo cân nặng, chiều cao, chỉ số mạch và huyết áp. Tiếp theo, bạn sẽ được một bác sĩ thăm khám trực tiếp nhằm đảm bảo bạn không mắc các bệnh lý nội khoa nặng khác như suy tim, suy gan, suy thận, thiếu máu mãn tính, bệnh ác tính…

Cuối cùng, nếu bạn được chấp nhận hiến máu chứng tỏ bạn có sức khỏe về mặt cơ bản là bình thường. Như vậy, mỗi lần đi hiến máu xem như là một cơ hội được khám sức khỏe miễn phí, bên cạnh đó bác sĩ cũng sẽ giúp bạn phát hiện sớm một số bệnh lý tiềm ẩn nếu có như tăng huyết áp, bệnh tim mạch…

3.4. Được xét nghiệm nhóm máu và các bệnh lý truyền nhiễm thông thường

Mọi đơn vị máu trước khi được sử dụng phải được xét nghiệm xác định nhóm máu và các bệnh lý truyền nhiễm thông thường. Nếu phát hiện thấy bất thường, túi máu đó sẽ bị loại ra. Các kết quả của những xét nghiệm này sẽ được thông báo với người hiến máu.

Nói một cách khác, đi hiến máu cũng là một cách để biết mình thuộc nhóm máu gì, mình có mắc các bệnh truyền nhiễm nào hay không. Không ít một số trường hợp đã được phát hiện ra bệnh, điều trị sớm nhờ từng đi hiến máu.

3.5. Tạo ra niềm vui trong cuộc sống

Một giọt máu trao đi không chỉ giúp ích cho người bệnh mà còn là một liều thuốc tinh thần cho chính bản thân người được hiến.

Dù sau khi hiến máu, sự thiếu máu tạm thời có thể khiến bạn cảm giác mệt mỏi nhẹ. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ tồn tại trong ngày hôm đó. Chỉ cần bạn nằm nghỉ một chút sau khi hiến xong, làm việc nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc, lượng máu sẽ nhanh chóng hồi phục. Hơn nữa niềm vui khi thực hiện một hành động đẹp sẽ khiến bạn cảm thấy phấn chấn, trở nên hạnh phúc hơn, yêu đời hơn.

Hiến máu tốt hay xấu là thắc mắc rất thường gặp của nhiều người. Hiến máu thật ra là cho đi một lượng rất nhỏ máu trong cơ thể mà mình không thực sự cần. Nó hoàn toàn không gây tổn hại gì cho cơ thể, thậm chí còn mang lại rất nhiều tác dụng tốt mà không có một phương thuốc nào thay thế được.